Bài bạc | Cờ tướng trực tuyến

Việt Nam rất cần phát triển nghề công tác xã hội trong nông thôn – miền núi

Hội thảo “Công tác xã hội trong phát triển nông thôn – miền núi ở Việt Nam” khẳng định sự cần thiết có nghề CTXH trong phát triển nông thôn-miền núi.

Ngày 18/7 tại ĐH Lâm nghiệp (Xuân Mai, Chương Mỹ – Hà Nội), ĐH Lâm nghiệp phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức hội thảo “Công tác xã hội trong phát triển nông thôn – miền núi ở Việt Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng về chính sách, tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học về công tác xã hội (CTXH) trong phát triển nông thôn – miền núi ở nước ta; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy CTXH góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển khu vực nông thôn – miền núi.

Dự hội thảo phía Bộ LĐTB&XH có TS.Nguyễn Văn Hồi – Cục Trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS.Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội. Phía Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng. Phía ĐH Lâm nghiệp có NGND.GS.TS Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng cùng đông đảo các nhà khoa học, sinh viên ngành CTXH của ĐH Lâm nghiệp.

TS.Nguyễn Văn Hồi và NGND.GS.TS Trần Văn Chứ điều hành hội thảo

Thông tin tại hội thảo cho thấy, trên thực tế Việt Nam đang có nhu cầu về CTXH trong phát triển nông thôn – miền núi để giải quyết các vấn đề trong xã hội nông thôn – miền núi, bởi đổi tượng CTXH khu vực này rất lớn, chiếm 2/3 dân số cả nước. Trên thực tế có nhiều cộng đồng nông thôn đã quen dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc không đủ khả năng và cơ hội tiếp cận với các nguồn lực xã hội trong việc giải quyết vấn đề của mình. Trong khi đó, mục tiêu và phương pháp tiếp cận của cả ngành CTXH và phát triển nông thôn là hướng đến việc hỗ trợ cư dân nông thôn nhận ra và phát huy tốt nhất năng lực của mình để cùng tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề và phát triển cộng đồng nông thôn.

Theo TS.Nguyễn Văn Hồi, hoạt động của CTXH trong phát triển nông thôn – miền núi trong một thời gian dài mới chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ thực hiện các chương trình xây dựng mà chưa thực sự có những chiến lược mang tính ngắn hạn, cũng như dài hạn cần được triển khai phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương.

TS.Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo

Phương pháp tổ chức CTXH cá nhân, theo nhóm hoặc hộ gia đình có sự hỗ trợ của các Trung tâm CTXH cấp huyện, tỉnh và đội ngũ CTV ở các xã, phường, thôn bản… chưa thực sự phát huy được hiệu quả do nguồn nhân lực vừa yếu về trình độ, vừa thiếu về số lượng, cũng như chưa huy động được nguồn lực hiện có của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức trong thực hiện CTXH.

“Chúng ta chưa có đội ngũ CTXH chuyên nghiệp, chưa có hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH giải quyết các vấn đề nông thôn hiện nay như thói quen sinh hoạt, người nghiện, nước sạch, vệ sinh môi trường, rác thải nông thôn… Các chương trình, đề án chưa quan tâm đúng mức đến CTXH, vấn đề cộng đồng” – TS.Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị cần quan tâm đào tạo cán bộ quản lý về CTXH; kiện toàn đội ngũ nhân viên, mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH ở tất cả các cấp; đồng thời cần phối hợp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; sớm luật hóa các chính sách để phát triển CTXH.

TS.Trần Ngọc Diễn chia sẻ về truyền thông giúp nâng cao nhận thức đối với lĩnh vực CTXH

Chia sẻ kinh nghiệm về CTXH trong phát triển nông thôn – miền núi, bà Nguyễn Ngọc Lan, nguyên điều phối chương trình Quản lý đất đai khu vực sông Mekong  cho biết: CTXH hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau với sự khác biệt về lứa tuổi, dân tộc, trình độ văn hóa, mức sống, tôn giáo… Tại Việt Nam, các hoạt động về CTXH đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, đặc biệt ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo ở nông thôn, miền núi lại chưa có chính sách về CTXH nào cụ thể, mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình khác.

Bà Nguyễn Ngọc Lan cho rằng, để có thể phát triển ngành CTXH này tại nước ta, cần lưu ý gắn với việc xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa lĩnh vực; nâng cao năng lực đội ngũ làm CTXH; tăng cường xã hội hóa CTXH; phân cấp cho địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn lực để phát triển CTXH…

Hội thảo thu hút đông đảo diễn giả và sinh viên

Đồng quan điểm trên, Ths Nguyễn Thị Liên, Khoa CTXH – ĐH Lao động Xã hội cũng đề xuất: “Song hành với thực hiện chính sách cho người nghèo dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ có tập trung, thì cần đẩy mạnh các hoạt động của CTXH, phát triển đội ngũ và nâng cao vai trò của nhân viên CTXH, nhằm cung cấp các dịch vụ để nhóm đối tượng này được hưởng các chính sách một cách tốt nhất”.

Bà Bùi Thị Kim – Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em cũng đưa ra một số gợi ý cho các nhà làm CTXH, đặc biệt trong thúc đẩy cộng đồng nông thôn – miền núi, đó là: chuyển từ hoạt động từ thiện sang hoạt động phát triển; bỏ định kiến người nông thôn, miền núi là người trình độ thấp, không đủ năng lực tự giải quyết vấn đề; không áp đặt khuôn mẫu của người ngoài và bắt cộng đồng làm theo; chú ý thái độ khi làm việc với cộng đồng; hỗ trợ các nhóm, thay vì hỗ trợ từng cá nhân.

Sinh viên Hoàng Thị Hương chia sẻ lý do theo học ngành CTXH

Đối với công tác truyền thông về CTXH, các đại biểu cũng khẳng định báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội hiện nay, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị, nêu ra những bất cập của đề án để các ban ngành chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với Tạp chí Lao động và Xã hội, TS.Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập nhấn mạnh, Tạp chí là cơ quan lý luận nghiệp vụ của ngành LĐTB&XH, hiện nay Tạp chí đã phát hành đến tận các xã, phường trên toàn quốc. Đối với nội dung, Tạp chí có rất nhiều bài nghiên cứu, lý luận, nghiên cứu trao đổi cũng như phản ánh những mô hình làm tốt công tác của ngành nói chung, CTXH nói riêng. Thông qua các kênh truyền thông, trong đó có Tạp chí Lao động và Xã hội, đã giúp nâng cao nhận thức của xã hội để dư luận hiểu và thích về lĩnh vực CTXH, từ đó có cách tiếp cận tích cực.

TS.Trần Ngọc Diễn cũng cho biết, trong tháng 8, Tạp chí sẽ phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức hội thảo truyền thông về phát triển nghề CTXH, để giúp các cơ quan báo chí và nhà báo hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.

Cũng trong sáng 18/7, ĐH Lâm nghiệp đã công bố quyết định và ra mắt Trung tâm CTXH và Phát triển cộng đồng, thuộc Khoa Kinh tế và Quản trinh kinh doanh của trường./.