Nhu cầu xã hội lớn
Trong những năm qua ngành Công nghiệp chế biến gỗ ở nước ta phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2014 đạt 6,3 tỷ USD, năm 2015 đạt 7 tỷ USD, định hướng đến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD, hiện nay Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ.
Sản phẩm chế biến từ gỗ
Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Hiện nay cả nước có trên 4200 doanh nghiệp, trong đó 95% doanh nghiệp tư nhân (16% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI), 5% doanh nghiệp nhà nước, 340 làng nghề chế biến gỗ.Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) thì ngành Chế biến gỗ là ngành có tiềm năng phát triển, có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, thị trường rộng lớn.
Với quy mô khoảng 300.000 lao động trong ngành chế biến gỗ hiện nay thì số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành Chế biến lâm sản chỉ chiếm 2-3%, công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, số còn lại là lao động phổ thông.
Trong khi đó yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10% /tổng số lao động (30.000 kỹ sư), như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho ngành phải còn thiếu đến hàng nghìn người/năm.
Kỹ sư chế biến lâm sản thường làm công tác quản lý và thực hiện nhiều công việc có liên quan đến gỗ, vật liệu gỗ và làm việc ở các nhà máy chế biến gỗ, công ty sản xuất đồ gỗ, các công ty thiết kế nội thất và sản xuất đồ gỗ, các cơ sở kinh doanh, thương mại về xuất nhập khẩu về gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn cả nước, các sở ban ngành.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành chế biến gỗ, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ thì hiện nay nguồn nhân lực ngành Chế biến gỗ đang thiếu trầm trọng.
Chạm khắc gỗ bằng công nghệ cao – CNC
Hàng năm cả nước chỉ đào tạo được hơn 200 kỹ sư chế biến gỗ
Theo PGS.TS. Vũ Huy Đại – Viện trưởng Viện Công nghiệp Gỗ – trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, các cơ sở đào tạo về kỹ sư chế biến lâm sản ở Việt Nam không có nhiều, tổng số kỹ sư ngành chế biến lâm sản hàng năm do các trường đại học trong cả nước đào tạo chỉ hơn 200 kỹ sư.
Để bảo đảm cho nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, PGS.TS Vũ Huy Đại cho rằng, các cơ quan chức năng của Nhà nước nên có những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành nghề trong xã hội trong một giai đoạn nhất định, chẳng hạn hiện tại và 5 năm tới sẽ như thế nào dựa trên sự phát triển của các ngành nghề đó và công bố cho xã hội biết về vấn đề đó và có lựa chọn ngành nghề cho phù hợp, tránh hiện tượng lãng phí như hiện nay “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều người học xong không có việc làm, trong khi đó các ngành khác thiếu nguồn nhân lực.
PGS.TS Vũ Huy Đại kiến nghị: Để tạo điều kiện phát triển mô hình hợp tác đào tạo: NHÀ TRƯỜNG – DOANH NGHIỆP và NHÀ TRƯỜNG – DOANH NGHIỆP – CHÍNH PHỦ, trong đó vai trò của chính phủ là hỗ trợ cho các ngành nghề do nhà nước đặt hàng, vai trò của doanh nghiệp là tham gia quá trình đào tạo và được hưởng lợi từ mức ưu đãi về thuế.
Sinh viên trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam thực hành phân biệt gỗ
Ngành chế biến gỗ học như thế nào?
Chế biến gỗ là quá trình sản xuất tạo ra các loại vật liệu gỗ, sản phẩm gỗ từ gỗ tự nhiên, gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu. Những loại sản phẩm gỗ gần gũi với chúng ta như đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ nội, ngoại thất từ gỗ tự nhiên; đồ gỗ mỹ nghệ. Các loại vật liệu gỗ hay còn gọi là gỗ công nghiệp như những tấm gỗ ván sợi MDF, ván ép, gỗ dán, ván ghép thanh.
Các loại vật liệu gỗ có nhiều đặc tính giống như gỗ tự nhiên, thân thiện môi trường và thay thế các loại gỗ tự nhiên trong nhiều lĩnh vực xây dựng, nội thất, giao thông…Hiện nay các loại vật liệu gỗ được dùng chủ yếu để sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất có giá trị kinh tế cao được tiêu dùng trong nước và xuất khẩu: bàn, ghế phòng khách, phòng ngủ, văn phòng, trường học, cửa gỗ, sàn nhà…
Được biết, là cái nôi của ngành đào tạo công nghiệp gỗ, hiện trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam có 5 GS, PGS và 20 Tiến sĩ, ngoài ra có các giảng viên từ doanh nghiệp, giảng viên nước ngoài tham gia thỉnh giảng. Trong những năm qua, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, đã đào tạo hơn 4000 kỹ sư thuộc lĩnh vực này.
PGS.TS Vũ Huy Đại trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ngành học này, Viện Công nghiệp Gỗ (Khoa Chế biến lâm sản trước đây) của trường đã có quan hệ chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp để phối hợp trong quá trình đào tạo. Do đó chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất, hầu hết trên 90% sinh viên ngành Chế biến lâm sản sau khi ra trường làm đúng ngành nghề và có việc làm, thu nhập ổn định.
Tác giả: Hồng Hạnh – Báo Dân Trí
Nguồn: