ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TP HÀ NỘI
BCH Cờ tướng trực tuyến
*** Số: 14 – HD/ĐT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2011 |
HƯỚNG DẪN
Thực hiện “Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới” năm 2011
Nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Năm Thanh niên 2011; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 80 KH/TWĐTN ngày 03/3/2009 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới và từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng đoàn viên, Ban Thường vụ Đoàn trường hướng dẫn thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên (RLĐV) trong thời kỳ mới như sau:
I. YÊU CẦU CHUNG
1. Chương trình RLĐV trong thời kỳ mới phải được triển khai sâu rộng tới các chi đoàn và đoàn viên, trong đó người đoàn viên là chủ thể của quá trình rèn luyện, tổ chức cơ sở Đoàn tạo môi trường và động lực cho đoàn viên rèn luyện.
2. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động để người đoàn viên phát huy cao độ tính tích cực chính trị – xã hội, vai trò xung kích, tình nguyện và khả năng đoàn kết tập hợp thanh niên; gắn với các tiêu chí và giá trị của thanh niên Thủ đô thời đại mới.
3. Thực hiện Chương trình RLĐV trong thời kỳ mới là tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại đoàn viên hàng năm.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Cơ sở chung
Chương trình RLĐV được thực hiện với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đoàn viên và cơ sở Đoàn, nó gắn bó mật thiết với các chương trình, phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Trong quá trình thực hiện Chương trình RLĐV phải gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; các phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và “Tôi yêu Hà Nội”, Cuộc vận động xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô thời đại mới với 5 tiêu chí: Bản lĩnh vững vàng, thanh lịch văn minh, tri thức phong phú, sức khỏe dồi dào, kỹ năng thành thạo với 6 giá trị cốt lõi: trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng và trách nhiệm.
2. Định hướng một số nội dung thực hiện
* 5 tiêu chí rèn luyện
– Giàu lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa
+ Hiểu được bản chất của Nhà nước và chế độ; kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước, lòng tự hào, tự tôn và tinh thần dân tộc sâu sắc; có ý thức cảnh giác cách mạng và kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và lợi ích của nhân dân.
+ Am hiểu lịch sử truyền thống, văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, lịch sử truyền thống của Thăng Long – Hà Nội, của địa phương, nhà trường,…
+ Tích cực nghiên cứu tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử truyền thống của Đảng bộ trường, chương trình, nghị quyết của Đảng bộ trường…
+ Chủ động bồi dưỡng kiến thức về đường lối và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam; tình hình kinh tế – xã hội Thủ đô; hiểu biết về tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Đội TNTP Hồ Chí Minh…
– Đoàn kết, thân ái, vì cộng đồng
+ Sống khiêm nhường, chia sẻ, tôn trọng mọi người; không phân biệt, kỳ thị, cục bộ, thù hằn, có ý thức xây dựng tập thể đồng thuận, lành mạnh.
+ Đề cao các giá trị gia đình, tình làng nghĩa xóm, truyền thống tôn sư trọng đạo; “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”,…
+ Tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, quan tâm chăm sóc thiếu niên, nhi đồng và người có hoàn cảnh khó khăn; chủ động tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương, đơn vị; giúp đỡ người khác trong điều kiện cho phép,…
– Sống văn hóa, tuân thủ pháp luật
+ Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Có ý thức giữ gìn các nét đẹp truyền thống; trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày phải có lòng tự trọng và tôn trọng người khác, mềm mỏng, thân thiện, nhẹ nhàng, cởi mở, hiếu khách và quan tâm đến người khác, thực hiện nghiêm các quy định ở nơi công cộng.
+ Nghiên cứu, học tập để có hiểu biết cơ bản về hệ thống luật pháp và các quy định, nội quy của cơ quan, đơn vị; hình thành ý thức tôn trọng pháp luật mọi nơi, mọi lúc; tuyên truyền để người thân và bạn bè có thức chấp hành pháp luật.
– Giàu tri thức, có sức khoẻ, kỹ năng
+ Chủ động rèn luyện nâng cao kiến thức, tay nghề để lập nghiệp, phục vụ công tác chuyên môn. Chủ động đăng ký tự học tập; có phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học phù hợp, hiện đại để tích lũy kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng thực hành xã hội…
+ Có ý thức giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ; thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao; xây dựng đời sống tinh thần phong phú; trang bị kiến thức cơ bản về phòng và chữa bệnh, nhất là các bệnh thông thường.
+ Rèn luyện kỹ năng hoạt động xã hội, hoạt động tập thể, kỹ năng nghề nghiệp như: giao tiếp, làm việc theo nhóm, đàm phán, ngoại giao, thu hút mọi người,…
– Tự tin, bản lĩnh trong hội nhập
+ Nhận thức cơ bản được các vấn đề của thời đại và yêu cầu của hội nhập
+ Thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề quốc tế, nhất là những vấn đề liên quan cuộc sống, công việc, học tập và tổ chức thanh niên.
+ Nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước; trang bị các kiến thức và kỹ năng hội nhập, nhất là ngoại ngữ, tin học, tập quán quốc tế.
+ Mạnh dạn, tích cực, chủ động trong việc tiếp cận, xử lý tình huống khi tham gia các quan hệ quốc tế.
* 10 tiêu chí hành động
– Sẵn sàng giới thiệu về lịch sử, truyền thống của quê hương, đất nước Việt Nam với bạn bè trong và ngoài nước: khi tham gia các hoạt động quốc tế, du lịch, tình nguyện, học tập, tham quan cần chủ động, lịch sự và khéo léo giới thiệu về lịch sử, truyền thống của quê hương, đất nước Việt Nam, tạo sự quan tâm của bạn bè khắp thế giới đối với dân tộc Việt Nam.
– Sẵn sàng đảm nhận những việc khó, việc mới: Chủ động phát hiện các vấn đề mới, khó và đề xuất đảm nhận. Xung kích tham gia thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi tính khẩn trương, cấp bách; những công việc yêu cầu kỹ thuật cao, sức sáng tạo lớn; những công việc hiểm nguy, chưa có tiền lệ; hoặc những việc đòi hỏi tinh thần tình nguyện, số đông, có tác dụng lớn về mặt chính trị – xã hội…
– Sẵn sàng giúp đỡ người già, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: chủ động, tích cực quyên góp và tham gia ủng hộ tiền, quà tặng; tham gia chăm sóc, giúp đỡ tại gia đình hoặc các trường, làng…; hỗ trợ trong việc tham gia giao thông, đến trường, chữa bệnh, xoá bỏ mặc cảm…
– Xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện: Tự nguyện, chủ động tham gia các hoạt động tình nguyện tại chỗ hoặc tại các địa phương, vào dịp chiến dịch Mùa hè TNTN hoặc vào dịp phù hợp, mang lại hiệu quả nhất định đối với cá nhân và xã hội.
– Xung kích xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh, phòng chống tệ nạn xã hội: Tôn trọng và thực hiện tốt các quy định nơi công cộng, nhất là các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ăn mặc, giao tiếp; tiếp thu các sản phẩm văn hoá lành mạnh, có đời sống tinh thần phong phú, tiết kiệm, chống lãng phí; không tham gia các tệ nạn xã hội và tích cực vận động người khác không mắc tệ nạn xã hội.
– Xung kích bảo vệ môi trường sinh thái: Thực hiện và vận động mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo mảng xanh, trồng cây gây rừng; xây dựng và bảo vệ môi trường nơi lao động, học tập, công tác; vứt, bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng (không hút thuốc, không khạc nhổ bừa bãi…), thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”; xử lý nước thải, không đưa hoá chất có hại vào môi trường, dùng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường…
– Thường xuyên chấp hành pháp luật: Có hiểu biết cơ bản về pháp luật, nhất là pháp luật về các lĩnh vực liên quan. Tôn trọng và chấp hành nghiêm túc các quy định, không có hành vi vi phạm pháp luật. Tích cực tuyên tuyền, vận động người thân, đồng nghiệp chấp hành pháp luật.
– Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn: Ngoài việc tham gia các lớp học, cần tích cực tự học và có tinh thần học tập suốt đời, học đi đôi với hành, nâng cao hiểu biết toàn diện, thường xuyên củng cố kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trình độ văn hóa, ngoại ngữ, tin học; trang bị kiến thức, kỹ năng hội nhập và hoạt động xã hội, …
– Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao: Đều đặn luyện tập ít nhất một môn thể thao, rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe; thường xuyên cổ vũ, duy trì phong trào rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao trong đoàn viên thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị…
– Thường xuyên vận động thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội: Chủ động tiếp xúc, kiên trì thuyết phục để vận động thanh thiếu nhi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội. Làm tốt công tác phát triển đoàn viên, hội viên, đội viên. Gương mẫu tham gia các hoạt động để làm gương cho các thanh thiếu nhi.
Các chi đoàn căn cứ vào đặc thù đơn vị để lựa chọn, cụ thể hóa hoặc bổ sung các nội dung cần thiết, phù hợp với đặc thù công tác, học tập của đoàn viên đơn vị mình để đoàn viên đăng ký thực hiện và có khả năng thực hiện tốt.
III. TỔ CHỨC, THỰC HIỆN
1. Đối với đoàn viên
– Mỗi đoàn viên chủ động đăng ký theo các nội dung rèn luyện và hành động theo các chủ đề, chủ điểm và hướng dẫn của Ban Chấp hành Chi đoàn.
– Đăng ký thực hiện theo một trong các hình thức: đăng ký trực tiếp trong cuộc họp Chi đoàn, đăng ký vào sổ tu dưỡng, sổ truyền thống, sổ chi đoàn hoặc phiếu theo mẫu do Đoàn quy định; đăng ký theo tập thể chi đoàn…
– Sưu tầm tài liệu theo nội dung đã đăng ký, trao đổi ý kiến với các đoàn viên trong Chi đoàn hoặc đề nghị Ban Chấp hành Chi đoàn giúp đỡ để thực hiện nội dung rèn luyện và hành động.
– Đăng ký tham gia hoạt động theo các tổ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện, hoạt động xã hội, các nội dung công tác do Ban Chấp hành phân công hoặc các công trình, phần việc thanh niên do Đoàn tổ chức; thực hiện tốt các quy định sinh hoạt chi đoàn, tự giác rèn luyện phấn đấu trong lao động, học tập, công tác, tích cực vận động thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội.
2. Đối với chi đoàn và Liên chi đoàn
– Ban Chấp hành chi đoàn cần cụ thể hoá định hướng nội dung rèn luyện và hành động phù hợp với khả năng của đoàn viên theo năm học. Hướng dẫn và tổ chức ngày cùng hành động để đoàn viên đăng ký thực hiện và lập kế hoạch phân công đoàn viên tham gia hoạt động theo các đội, nhóm công tác; các công trình, phần việc thanh niên, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên rèn luyện.
– Tổ chức toạ đàm, diễn đàn thanh niên, hái hoa dân chủ theo các chủ đề.
– Thành lập các đội, nhóm thanh niên tình nguyện và tổ chức thực hiện có chất lượng các công trình, phần việc thanh niên; thường xuyên tổ chức các hoạt động để qua đó tạo môi trường công việc cho người đoàn viên rèn luyện, phấn đấu.
– Lập các sổ sách theo dõi công tác triển khai, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình RLĐV.
– Định kỳ một năm đánh giá mức độ hoàn thành Chương trình RLĐV của từng đoàn viên, tổ chức nhận xét và phân loại đoàn viên.
– Về phương pháp đánh giá, tuỳ theo đặc điểm, điều kiện của cơ sở, có thể đánh giá kết quả rèn luyện của đoàn viên theo một trong những hình thức: Tổ chức bình xét phân loại; hội thi; kiểm tra viết, vấn đáp, trắc nghiệm… Kết hợp kết quả thực hiện những nội dung đã đăng ký với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chi đoàn và công tác chuyên môn để đánh giá. Lấy kết quả thực hiện Chương trình RLĐV làm tiêu chuẩn quan trọng để phân loại đoàn viên và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.
3. Đối với Đoàn trường
– Hướng dẫn về quy trình triển khai thực hiện cho đội ngũ Bí thư chi đoàn và Liên chi đoàn.
– Biên tập tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình RLĐV trên cơ sở cụ thể hoá Hướng dẫn của Thành đoàn phù hợp với tình hình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện.
– Chủ động tham mưu với cấp uỷ đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thanh niên, quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, môi trường hoạt động để đoàn viên rèn luyện.
– Phát huy hệ thống thông tin đại chúng của đơn vị trong việc tuyên truyền về thực hiện Chương trình RLĐV.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu: VPĐT. |
TM. BAN THƯỜNG VỤ ĐOÀN TRƯỜNG PHÓ BÍ THƯ
Nguyễn Chí Lâm |