Ngược lại với thông tin ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của ngành đồ gỗ, các ông chủ của các tập đoàn, công ty đồ gỗ nội thất đang đau đầu với bài toán nhân lực của ngành.
“Thiếu trầm trọng” là cụm từ được nhắc đến đầu tiên khi được hỏi về tình hình nhân lực ngành gỗ. “Chỉ tính số lượng, kỹ sư ngành gỗ chỉ đáp ứng được khoảng 15%-20% nhu cầu. Chúng tôi phải huy động tuyển rất nhiều từ các ngành khác như cơ khí nông lâm, kỹ thuật công nghệ… để cung cấp cho ngành gỗ nhưng vẫn thiếu hụt” – ông Phạm Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Giám đốc Công ty Danh Mộc, thông tin.
Sinh viên ngành chế biến lâm sản Trường ĐH Nông Lâm TP HCM trong giờ thực hành
Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty Gỗ Tường Văn – thành viên Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương, hiện nay, với sự mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ ngày càng tăng, nhân lực trong ngành này cũng vì thế tăng vọt. “Nhân lực ngành gỗ hiện nay rất thiếu. Ngay tại TP HCM, Bình Dương, nhu cầu về nhân lực đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ lên tới hàng chục ngàn” – ông khẳng định.
Ở nước ta có một số trường có đào tạo ngành chế biến lâm sản là Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Lâm Nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm Huế nhưng các ngành này nhiều năm liền rơi vào tình trạng khó tuyển sinh. Các trường ĐH đưa ra nhiều chính sách như miễn giảm học phí, tặng học bổng,… nhằm thu hút sinh viên nhưng kết quả chưa khả quan. Học sinh vẫn “kén” ngành học này một phần do học sinh nghĩ lâm nghiệp là phải lên rừng hoặc đến một vùng xa xôi hẻo lánh nên e ngại.
Sự thiếu hụt nhân lực đã khiến các doanh nghiệp gỗ phải tích cực tìm đến tận trường ĐH “đặt hàng” sinh viên nhằm chủ động nguồn cung cho chính mình. Điển hình như mới đây, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương, Công ty Gỗ Tường Văn, Công ty Keo Việt đã đề nghị và ký thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong hợp tác đào tạo, cam kết việc làm cho kỹ sư lâm học, chế biến lâm sản…
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương, việc tìm đến tận cơ sở đào tạo để đặt hàng không chỉ giúp hiệp hội bảo đảm được nguồn cung ứng nhân lực mà còn giúp sinh viên có đam mê lựa chọn ngành gỗ yên tâm với lựa chọn của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đơn vị đào tạo, với xã hội.
Nguồn: