Bài bạc | Cờ tướng trực tuyến

Chủ tịch Hồ Chí Minh và mỹ tục Tết trồng cây

Tết trồng cây được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động mùa xuân năm 1960 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cứ mỗi dịp đầu xuân khi tiết trời ấm áp, khí hậu ôn hoà, trên khắp đất nước ta, tết trồng cây lại trở thành ngày hội náo nức, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp để môi trường ngày càng xanh tươi, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên nên từ những ngày hoạt động cách mạng nơi chiến khu Việt Bắc, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn chú trọng tới việc xây dựng môi trường để bảo đảm cho điều kiện sống và công tác bí mật trong kháng chiến. Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”... Người coi việc sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.

Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây là công việc đó “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”,  vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Cuối bài báo, Bác Hồ đã viết Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của “Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. 


Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là vào buổi sáng ngày 11/1/1960. Người cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại đây, Bác đã cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã  xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau. 55 mùa xuân đã qua cùng 55 Tết trồng cây kể từ ngày ấy, Công viên Thống Nhất hôm nay đã trở thành một khu vui chơi giải trí lớn của Thủ đô Hà Nội. Cây đa nhỏ năm xưa Bác trồng giờ đã là một cây đa cổ thụ sum suê xanh tốt, tỏa bóng mát quanh năm.

Trong nhiều bài nói và viết, Bác luôn luôn căn dặn nhân dân ta, bên cạnh việc tích cực trồng cây, gây rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và chớ lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Người chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Chính vì thế mà Bác ví rừng là vàng và căn dặn: “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng nhiều đến khí hậu, đến đời sống sản xuất. Đồng thời, Người kêu gọi nhân dân phải có kế hoạch trồng rừng và phải tích cực bảo vệ rừng… như bảo vệ nhà cửa của mình.

Mùa Xuân năm 1969, Bác Hồ về trồng cây tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Người trực tiếp trồng một cây đa. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”

 

 Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/02/1969

Tết trồng cây theo tư tưởng của Bác Hồ đã trở thành một mỹ tục của dân tộc, những lời dạy của Bác luôn là động lực to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái, nhiệt tình, ra sức trồng cây, trồng rừng, góp phần làm cho đất nước ta ngày càng giàu đẹp, mãi mãi xanh tươi. Hưởng ứng ngày Tết trồng cây làm theo lời Bác, trường Đại học Lâm nghiệp sẽ tổ chức Tết trồng cây vào ngày 09/3/2015.