Bài bạc | Cờ tướng trực tuyến

Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 lại về trong tiết xuân ấm áp và không khí rạo rực của mùa lễ hội đầu năm. Đã từ lâu, ngày 8/3 đã trở thành ngày hội lớn của toàn xã hội. Những bó hoa tươi thắm nhất, những lời chúc tốt đẹp nhất được gửi tới những người phụ nữ thân yêu-những người đã dệt gấm thêu hoa tạo nên cái đẹp vĩnh hằng cho thế giới này.

 

 

Ảnh minh họa/internet

Người phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Trước hết đó là do vị trí đặc biệt của họ trong gia đình. Là mẹ hiền, dâu thảo họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc gia đình, đến việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc bố mẹ già của cả hai bên gia đình, chăm sóc cho sự nghiệp của chồng. Phụ nữ là người giữ gìn bếp lửa của mỗi gia đình. Thật khó hình dung một gia đình đầm ấm mà lại thiếu vắng bàn tay dịu dàng của người phụ nữ.

Cùng với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ cũng có vai trò to lớn trong đời sống cộng đồng và xã hội. Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của đất nước, phụ nữ đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nên truyền thống vẻ vang của dân tộc. Chúng ta tự hào biết bao về võ công hiển hách, khí phách anh hùng, sự nghiệp lẫy lừng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu và biết bao vị nữ anh hùng khác trong lịch sử dân tộc. Trong thời hiện đại, nhất là trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, biết bao người phụ nữ nổi tiếng và cả biết bao người phụ nữ vô danh đã phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, đóng góp xứng đáng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám cũng như vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mang lại nền độc lập tự do cho đất nước.

Ảnh minh họa/internet

Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước, phụ nữ Việt Nam càng phải vượt qua biết bao thách thức to lớn để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Ngày càng nhiều người trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ… Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ. Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển.

Hiện nay phụ nữ nước ta có vai trò to lớn và có được những đóng góp quan trọng như vậy vì cùng với sự nỗ lực phấn đấu của mình, phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta dành cho sự quan tâm đặc biệt, thể hiện ở những chính sách, chủ trương đúng đắn có tính chiến lược. Tháng 4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TƯ về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tháng 7/2007 Luật bình đẳng giới bắt đầu có hiệu lực. Đây là căn cứ pháp lý và định hướng quan trọng hướng tới thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch số 6824/KH-BGDĐT, ngày 04/7/2007 “Kế hoạch triển khai chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới”; phối hợp với Trung ương Hội LHPN VN ban hành văn bản số 02 CT2/BGDĐT-TW HLHPNVN “Chương trình phối hợp về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong ngành Giáo dục. Những chủ trương, chính sách đúng đắn nêu trên đã và đang được hiện thực hóa, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ trong ngành Giáo dục ngày càng phát triển và đóng góp hiệu quả cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đội ngũ nữ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng; Đội ngũ nữ nhà giáo hiện chiếm 74% số giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp; tỷ lệ nữ giáo viên phổ thông đạt chuẩn trở lên là 96%, trong đó trên chuẩn là 20-25%. Các cơ sở giáo dục đại học có 20.849 nữ giảng viên, tỷ lệ nữ có trình độ chuyên môn sau đại học là 43,8%, trong đó có 1803.211 PGS, 1.398 TS và 7.767 ThS… Nhiều nữ nhà giáo đã được tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Nhiều chị được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, được tặng Huân chương, Huy chương…

Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, đồng thời được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhất định phụ nữ nước ta nói chung, phụ nữ ngành Giáo dục nước ta nói riêng sẽ phát huy được truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và ngày càng đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước.

Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Báo Giáo dục & Thời đại xin gửi tới phụ nữ toàn ngành Giáo dục và phụ nữ cả nước những lời chúc tốt đẹp nhất.