Bài bạc | Cờ tướng trực tuyến

Xuất khẩu lâm sản lập kỷ lục 9,3 tỷ USD năm 2018

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Đặc biệt, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và cây cao su năm nay đạt cao chưa từng thấy (27,5 triệu m3), đã cung cấp được 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ…

Đây là những thông tin được công bố tại hội nghị tổng kết năm 2018 của ngành lâm nghiệp, ngày 24/12/2018.

Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2018, cả nước đã trồng thêm được 231.523 ha rừng, bằng 118,7% kế hoạch được giao. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng trồng 15.070 ha; rừng sản xuất 216.453 ha. 

Ngoài ra, khoanh nuôi tái sinh thêm 386.485 ha và trồng rừng ven biển 2.400 ha. Thực hiện trồng rừng thay thế, lũy kế đến nay, cả nước đã trồng được 58.879 ha, đạt 87% tổng diện tích phải trồng. Trong đó, nhóm các dự án thủy điện đã trồng 25.496 ha; nhóm các dự án sản xuất – kinh doanh đã trồng 17.884 ha; nhóm các dự án công trình công cộng và an ninh, quốc phòng đã trồng 15.500 ha.

Năm 2018, cả nước đã phát hiện 12.945 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 3.577 vụ (tương ứng giảm 22%) so với năm 2017. Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Cả nước đã phát hiện 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (giảm 25% so với năm 2017). Quản lý bảo vệ phát triển rừng tại 6 vườn quốc gia trong năm 2018 đã phát hiện, xử lý 239 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, giảm 51,6% so với năm 2017 về số vụ. Các vườn quốc gia có số vụ vi phạm còn nhiều là Yokdon 185 vụ, Cát Tiên 31 vụ.

Sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Trong đó, khai thác gỗ từ rừng trồng tập trung đạt 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017; cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3. 

Tổng số doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, với 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu (trong đó khối FDI có trên 700 doanh nghiệp), đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ. 

Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, xuất siêu lâm sản cả năm lên tới 6,99 tỷ USD chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp.

Năm 2018, cả nước thu được hơn 2.859 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 122,7% kế hoạch năm 2018 và tăng 68% so với năm 2017. Sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh, trong năm có 1 công ty được cổ phần hóa và 1 công ty hoàn thành việc giải thể. Đến nay, số công ty lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới là 63 trong tổng số 136 công ty…

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định, “Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai Luật Lâm nghiệp, đưa lĩnh vực rừng thay đổi khác hẳn về bản chất. Giờ đây, rừng không chỉ là màu xanh với nhiệm vụ bảo vệ, mà phải xác định đúng nghĩa là rừng vàng. Tức là, kinh tế không phải ở dạng tiềm năng nữa, mà đòi hỏi hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi, từ trồng, bảo vệ, chế biến, tiêu thụ”.

Theo ông Cường, nhờ lũy kế của hơn 20 năm nỗ lực liên tục, nay độ che phủ rừng đã đạt được 41,65% diện tích, vượt chỉ tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ. Điều đáng mừng là, đã đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng khai thác gỗ rừng trồng và gỗ cao su đạt tới 27,5 triệu m3. 

“Thế giới hội nhập là phải có nhập có xuất, làm gì có nước nào chỉ có xuất khẩu mà không nhập khẩu. Những năm trước, nhiều chuyên gia cứ phân tích rằng, phần lớn nguyên liệu cho chế biến gỗ phải nhập khẩu. Nay nguồn trong nước đã tự chủ được 80%, thì đi nhập gì nữa. Đây là một thành quả lớn. Nhiều hộ trồng rừng trở nên khá giả, có những hộ trồng rừng đã giàu có”, ông Cường nói và đã nhấn mạnh 2 thành tựu nữa của ngành lâm nghiệp trong năm 2018. 

Đó là, tốc độ tăng về giá trị sản xuất đạt 6,12%, cao nhất trong số các nhóm ngành hàng của ngành, cao hơn cả nhóm thủy sản. Sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên Minh châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). 

Tuy vậy, ngành lâm nghiệp vẫn còn nhiều điểm yếu: công tác bảo vệ rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng gây dư luận không tốt trong xã hội. Đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương chưa được quan tâm bố trí đủ vốn; nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và trồng rừng có chứng chỉ.

Bộ trưởng giao chỉ tiêu kế hoạch ngành năm tới cho ngành lâm nghiệp: trồng thêm 220.000 ha rừng để đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 41,85%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD; cùng với đó, phải tập trung vào hoàn thiện thể chế cho ngành lâm nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả.

Nguồn: