Bài bạc | Cờ tướng trực tuyến

Nhà khoa học trẻ được đặt tên cho các loài thực vật mới

Từ những chuyến đi thực địa, nhà thực vật học Phạm Văn Thế (sinh năm 1981, cựu sinh viên trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam) đã tìm hiểu và bảo tồn nhiều loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Điều đặc biệt, tên của anh được đồng nghiệp quốc tế đặt tên cho những loài thực vật mới.

Làm bạn với rừng

Sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Văn Thế không chọn làm công việc đúng ngành học Kiểm lâm mà quyết định chuyển sang học thạc sĩ chuyên ngành Thực vật học.

“Mỗi loài thực vật đều có những đặc điểm riêng biệt về môi trường sống cho đến đặc điểm thân cây. Tùy mỗi loài, mình áp dụng những cách thu thập và xử lý mẫu thí nghiệm khác nhau. Ban đầu, mình vừa học lý thuyết và áp dụng thực hành trong phòng thí nghiệm về các kỹ thuật khác nhau: Sấy, cố định và bảo quản mẫu vật.

Ngoài ra, mình học thêm kiến thức từ các anh chị đồng nghiệp và nhờ sự hỗ trợ từ thầy hướng dẫn. Điều này giúp mình thực hành tốt các kỹ thuật và tiến bộ trong nghiên cứu”, Văn Thế cho biết.

Công việc của một nhà thực vật học vô cùng vất vả, nguy hiểm. Năm 2003, anh thực hiện chuyến đi rừng đầu tiên và làm công việc điều tra đa dạng thực vật tại một số đảo đá vôi tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Văn Thế chia sẻ rằng, thời điểm đó, anh chưa thực sự mường tượng công việc đang làm là của một nhà nghiên cứu thực vật học.

Thời gian 3 tuần đầu, anh đi thực địa cùng với thầy hướng dẫn. Sau đó, Văn Thế thực hiện công việc một mình trong khoảng thời gian 2-3 tháng.

“Mình trải nghiệm leo trèo trên những đảo đá vôi để thu mẫu thực vật. Chuyến đi đầu tiên mang lại cho mình cảm giác lo sợ vì bản thân chưa từng đi rừng núi bao giờ. Trong đầu mình hiện ra nhiều suy nghĩ: “Những tảng đá có vững chắc hay không? Rừng sâu có loài rắn rết độc nào không?”. Cái sợ hơn nữa là lạc đường. Đôi lúc, mình đi khảo sát và giẫm chân lên những tảng đá. Nó sạt lở, trượt văng hẳn ra khiến mình bị ngã. Lần đó, mình may mắn là chỉ bị trầy nhẹ ngoài da”, anh nhớ lại.

 Để tìm kiếm được cây hoàng đàn Lạng Sơn, Phạm Văn Thế phải leo trèo vượt qua nhiều địa hình hiểm trở.

Để tìm kiếm được cây hoàng đàn Lạng Sơn, Phạm Văn Thế phải leo trèo vượt qua nhiều địa hình hiểm trở.

Theo đuổi nghề và “làm bạn” với rừng, Văn Thế nhận được sự chỉ dẫn tận tình từ thầy hướng dẫn và chủ động tham gia các dự án tìm hiểu và bảo tồn các loài thực vật quý, hiếm. Hiện tại Văn Thế đang công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam).

Trong viện, anh đảm nhận công việc tìm hiểu và đề xuất biện pháp bảo tồn những loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng thuộc họ thông, bách, lan, như: Cây hoàng đàn Lạng Sơn, bách xanh núi đá, lan hài cảnh, sa mộc… Công việc tìm hiểu những loài thực vật bị đe dọa tuyệt chủng là cả một quá trình dài theo dõi và nghiên cứu. Bởi vì, số lượng các loài và cá thể biến động theo từng năm.

Trong các để tài nghiên cứu, Văn Thế cùng các đồng nghiệp thực hiện dự án bảo tồn các loài hoàng đàn Lạng Sơn, bách vàng Việt… Anh cho biết, hoàng đàn là giống cây gỗ quý hiếm và đắt tiền, mỗi kilôgam gỗ trị giá 1 – 2 triệu đồng. Loại gỗ này có mùi thơm đặc biệt. Tinh dầu của nó có tác dụng chữa bệnh khớp. Để bảo tồn, anh và nhóm đã thực hiện dự án nhân giống loại cây này bằng phương pháp chiết cành. Cây con phát triển tốt trong vườn ươm và được trồng lại trong môi trường tự nhiên.

Thầm lặng nhưng không đơn độc

Thông thường, Văn Thế thực hiện những chuyến đi thực địa vào mùa Xuân, đầu mùa Hè và đầu mùa Đông. Thời điểm này là lúc các loài thực vật ra hoa, kết quả và tránh các đợt mưa bão lớn. Hoa quả là tiêu chí quan trọng để xác định tên khoa học loài. Anh thường đi theo đoàn từ 2 đến 5 người. Đôi lúc anh đi một mình.

Những địa điểm mà Văn Thế khảo sát thường khá rộng. Hầu hết, nó nằm ở các tỉnh có rừng ở cả 3 miền: Bắc, Trung và một vài tỉnh ở miền Nam. Ngoài ra, anh còn đi đến một vài tỉnh ở Lào. Với những chuyến đi rừng xa, anh thường ngủ tại một khu vực rừng khoảng 1 tuần trước khi di chuyển sang khu vực rừng khác để tiếp tục khảo sát.

 Phạm Văn Thế phân tích thí nghiệm mẫu vật thu được từ chuyến đi thực địa ở Tây Ban Nha.

Phạm Văn Thế phân tích thí nghiệm mẫu vật thu được từ chuyến đi thực địa ở Tây Ban Nha.

Trong quá trình nghiên cứu về thực vật quý hiếm, anh phải tổng hợp nhiều tài liệu liên quan và kết nối hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài. Anh dựa vào danh mục trong Sách đỏ Việt Nam để xác định những loài bị đe doạ tuyệt chủng và đề ra biện pháp bảo tồn.

Anh cho biết, việc bảo tồn những loài thực vật quý hiếm, nhằm mục đích cứu các loài này thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Một điều nữa, con người sống phụ thuộc rất nhiều vào thực vật vì lợi ích của chúng mang lại, như: Làm thức ăn, thuốc chữa bệnh, bảo vệ hệ sinh thái…

Do đó, những loài thực vật quý hiếm có thể là nguồn gen quý để thuần hoá hoặc lai tạo với các loài cây lương thực tạo ra những giống có giá trị và sản lượng cao. Hoặc nó có sức chống trọi tốt hơn trước sự biến đổi của khí hậu. Từ đó, nó giúp ích cho việc phát triển mảng xanh và tương lai thế hệ sau.

Đến nay, Văn Thế đã phát hiện và mô tả 13 loài, 2 chi thực vật mới cho khoa học. Văn Thế được các đồng nghiệp quốc tế vinh danh, đặt tên cho các loài hoặc chi thực vật mới cho khoa học, như: Địa lan Thế Gastrodia Theana, chi mới lan Thế Theana, loài mới lan Thế Việt Theana Vietnamica, tỏi rừng Thế Tupistra Theana.

Văn Thế tâm sự: “Quả thực, công việc nghiên cứu thực vật học ít người biết đến. Tuy nhiên, mình không cảm thấy đơn độc. Mình luôn nhận được sự động viên từ gia đình, các thầy cô đầu ngành nên có thêm động lực.

Những chuyến đi thực địa dài ngày, mình đi cùng các đồng nghiệp, chuyên gia nước ngoài. Mỗi người có thế mạnh biết hết những loài thực vật và kiến thức về công tác bảo tồn. Mình học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ họ. Trong suốt quá trình gắn bó với nghề, mình cảm thấy rất hài lòng. Thời gian làm việc cũng giống như là lúc mình đang dạo chơi”.

ThS Phạm Văn Thế đã tham gia 42 đề tài, dự án nghiên cứu, xuất bản 54 công trình nghiên cứu, hoàn thành một cuốn sách tiếng Anh tại Đức. Anh còn là tác giả 21 bài báo quốc tế. Năm 2015, Phạm Văn Thế là một trong 10 nhà khoa học trẻ được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng.

Hiện tại, anh còn sáng lập và đồng quản trị website biodivn.com (Đa dạng sinh học và bảo tồn Việt Nam – BIODIVN). Trang mạng cung cấp thông tin miễn phí về tình hình đa dạng các loài động thực vật, cũng như hiện trạng và tình hình bảo tồn của chúng cho mục đích phát triển bền vững ở Việt Nam.

 

Theo Bình Nguyễn

Nguồn: Sinh viên Việt Nam