Bài bạc | Cờ tướng trực tuyến

Khắp thế giới đổ dồn về ngành chế biến gỗ Việt Nam

Hàng ngàn khách tham quan đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đổ dồn về TPHCM tham dự Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (Vifa Expo 2019), mở ra cơ hội có một không hai cho ngành gỗ để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sáng 6/3, Vifa Expo 2019 đã được khai mạc tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM. Đây là hội chợ thường niên của ngành gỗ, do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) – Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh (HAWA Corporation) tổ chức. Hội chợ sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 6 đến 9/3.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, kể từ năm 2008 (năm đầu tiên hội chợ Vifa Expo được tổ chức), kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng từ 800 triệu USD lên gần 9,4 tỷ USD trong năm 2018 và có thể đạt con số 10 tỷ USD trong năm nay. Sự tăng trưởng này có phần đóng góp rất lớn của hội chợ Vifa Expo hàng năm.

Theo đó, Vifa Expo đã mở ra cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quảng bá thương hiệu. Từ đó thiết lập các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy hoạt động liên kết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, qua hội chợ, doanh nghiệp cũng nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, qua đó cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới.

Vifa Expo 2019 tấp nập khách quốc tế ngay khi vừa khai mạc. Ảnh: N.H

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA cho biết, Vifa Expo năm nay đã vượt qua Singapore để trở thành hội chợ chuyên ngành gỗ, nội thất lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, hội chợ năm nay có 2.420 gian hàng với tổng diện tích 35.000m2 (tăng 23% so với năm 2018). Đây sẽ là nơi giao dịch mua sắm trực tiếp của 514 doanh nghiệp tham dự hội chợ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cũng chia sẻ, lượng doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tham gia Vifa Expo 2019 tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2018. Các doanh nghiệp này đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm lực ngành gỗ và công nghiệp phụ trợ khá lớn như: Đài Loan, Singapore, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Đan Mạch, Hongkong, Ireland, Hà Lan, Hàn Quốc,…

Các chứng chỉ FSC, BSCI được các doanh nghiệp giới thiệu thu hút sự quan tâm của những người mua hàng quốc tế. Ảnh: N.H

Cùng với lượng doanh nghiệp nước ngoài, số lượng khách đăng ký tham quan hội chợ cũng tăng rất mạnh. Tính đến hết ngày 5/3, lượng khách đăng ký qua các kênh online của Vifa Expo đã đạt con số gần 3.500 người, tăng trên 53% so với năm 2018. Ông Khanh dự báo, lượng khách tham gia hội chợ năm nay sẽ đạt khoảng 5.000 người. Khách tham quan đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lý giải cho sự phát triển vượt trội của Vifa Expo so với các hội chợ ngành gỗ khác trong khu vực, ông Hạnh cho hay, trước đây hội chợ đồ gỗ của Singapore có quy mô hàng đầu khu vực. Nhưng do Singapore chỉ có thế mạnh về thương mại, nên khi tham gia hội chợ tại đây, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tới nhà máy, xưởng sản xuất để tìm hiểu, xúc tiến ký kết đơn hàng thì sẽ phải đi qua các nước lân cận như Việt Nam, Malaysia, Indonesia…

Khách hàng nước ngoài tìm hiểu thông tin tại gian hàng của một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: N.H

Trong khi đó, những năm qua, ngành sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam. Vifa Expo tọa lạc tại vị trí đắc địa vùng Đông Nam Á, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong việc di chuyển đến các tỉnh lân cận mua hàng hay ghé thăm nhà xưởng ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An với chỉ khoảng từ 1 đến 2 giờ lái xe. Bên cạnh đó, từ đây cũng khá thuận lợi cho việc đi đến các nước lân cận tại ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… chỉ mất khoảng 1h30 – 3h bay.

Cũng theo ông Hạnh, khi khách hàng tới tham quan gian hàng tại hội chợ và đồng ý tới thăm nhà máy, xưởng sản xuất thì 80% khả năng là doanh nghiệp đã nắm trong tay hợp đồng với đối tác đó.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu sản phẩm Gỗ và lâm sản năm 2018 đạt 9,3 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2017. Như vậy, chế biến gỗ chính thức vượt qua thủy sản (xuất khẩu đạt 9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, sản lượng khai thác gỗ rừng năm 2018 đạt khoảng 27,5 triệu m3, tăng 3% so với năm 2017, khai thác từ cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3 gỗ. Nguồn nguyên liệu bản địa này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN và góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.